5 lời khuyên cho người mới bắt đầu mở nhà hàng

Không ít nhà hàng, quán ăn mở cửa chưa được bao lâu đã vội cất biển bán hàng. Có nhà hàng không đủ vốn duy trì giai đoạn đầu, nhà hàng thì không có khách mà nguyên nhân chủ yếu là: Thực đơn không có gì đặc sắc, quản lý không sát khiến thất thoát lớn,… Vậy làm thế nào để giảm thiểu tối đa thất bại khi mở nhà hàng? Dưới đây là 5 lời khuyên dành cho bạn.
1. Luôn phải lấy chất lượng làm tâm điểm
Đã có không ít chủ quán ăn đầu tư một khoản lớn cho giai đoạn mở cửa, booking quảng cáo, review thu hút khách hàng. Và đến ngày khai trương, khách đến chật kín bàn. Thế nhưng món ăn thì dở tệ, nhân viên phục vụ chậm, không khí hỗn loạn quay cuồng. Kết quả là khách hàng chỉ đến một lần không bao giờ quay trở lại. Thậm chí có những khách còn viết review tiêu cực, đánh giá 1 sao cho nhà hàng trên mạng xã hội. Như vậy, không ít nhà hàng vì không chuẩn bị kỹ lưỡng nên vừa mới kinh doanh đã phải đối mặt với việc “bị tẩy chay”.

Để có sự khởi đầu tốt đẹp, chủ nhà hàng luôn phải nhớ cần ưu tiên chất lượng sản phẩm. Khi lên thực đơn, cần có những buổi pre-opening để khách hàng đến thử nghiệm, cho phản hồi từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm cho đến dịch vụ trước khi đi vào hoạt động. Có như thế bạn mới giảm đi những trường hợp gặp review tiêu cực khi vừa mới mở cửa ngoài mong muốn. Nhiều nhà hàng, quán ăn mở ra mà quên mất một điều rằng thay vì đầu tư ngân sách khổng lồ cho cơ sở vật chất, cái họ cần là hoàn thiện sản phẩm của mình một cách xuất sắc trước.
2. Nâng cao kiến thức
Ngành kinh doanh ăn uống tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thô sơ. Các chủ quán mới tập tành kinh doanh vẫn chưa có kinh nghiệm xử lý và kiểm soát các phát sinh khi vận hành. Bạn chưa có kinh nghiệm để biết giai đoạn xây dựng và chuẩn bị thường sẽ gặp những vấn đề gì, giai đoạn vận hành, mở rộng thường hay thất bại do đâu? Do đó bạn cũng chưa có kịch bản để kịp ứng phó. Chính vì thế mà không ít lời khuyên cho các chủ quán rằng hãy đi làm ở nhà hàng trước khi mở nhà hàng 1, 2 năm để hiểu ngành và học tập kinh nghiệm kinh doanh.

Một số người chọn tham gia các lớp đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ quản lý. Một số khác chọn cách trải nghiệm dịch vụ của các bên đối thủ để nắm bắt được khách hàng của mình thực sự cần gì. Đặc biệt với một ngành đang phát triển như F&B, việc nắm bắt được xu hướng, tiếp cận với những cách thức kinh doanh, tiếp thị mới là điều kiện bắt buộc để bạn có thêm những ý tưởng kinh doanh và Marketing hiệu quả.
3. Tạo sự khác biệt
Bạn dự định chọn sự khác biệt như thế nào cho nhà hàng của mình? Một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng với rào cản gia nhập thấp, ai cũng có thể tham gia kinh doanh ăn uống. Vậy nếu chỉ kinh doanh những sản phẩm giống mọi người, không có gì nổi bật thì cửa hàng của bạn cũng nhanh chóng đi theo số đông, trở thành một cái tên nhạt nhòa mong cầu những vị khách.
Nguyên nhân thất bại của tất cả các nhà hàng nói chung hoặc là làm chưa tới, hoặc bản chất không xuất phát từ đúng những gì khách hàng và thị trường đang cần. Câu chuyện điển hình của chuỗi mỳ cay 7 cấp độ, trào lưu nở rộ nhưng căn bản không thể khiến người tiêu dùng chọn lựa đó là một món ăn ngon. Và xu hướng này nhanh chóng đi vào hồi kết.

Để tạo ra sự khác biệt, hãy xuất phát từ góc độ của khách hàng. Nuông chiều cảm xúc và nuôi dưỡng những thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe của khách hàng. Để làm được những điều đó, nghiên cứu kỹ hành vi của người dùng, lựa chọn những yếu tố bạn đáp ứng được trong sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm hoặc không gian,… để khiến khách hàng có thêm lý do để lựa chọn.
4. Chuẩn bị đủ vốn
Điều khiến nhà hàng, quán ăn của bạn lâm vào cảnh “khát vốn” trầm trọng là gì? Phần lớn là do không có kế hoạch thu chi phù hợp dẫn đến mất cân bằng chi tiêu. Khi có quá nhiều chi phí phát sinh ngoài dự tính sẽ khiến bạn sẽ không kịp trở tay. Nhiều ông chủ cố gắng mở cửa hàng kinh doanh của mình khi trong tay số vốn không dư giả mấy. Điều này có thể khiến họ mở cửa nhưng để duy trì và vượt qua giai đoạn khởi đầu sẽ khá “vất vả”.

Vậy nếu chưa có đủ vốn, thì bạn nên bắt đầu kinh doanh như thế nào? Một trong những lời khuyên phổ biến hiện nay là bạn hãy kinh doanh online trước. Bán hàng trên các app, trang facebook,… tận dụng nguồn khách lớn và quảng cáo miễn phí. Khi có một lượng khách nhất định, lại không tốn nhiều chi phí mặt bằng và nhân viên. Bạn kinh doanh ổn định trước, có thêm một nguồn vốn và đến thời điểm phù hợp thì mở nhà hàng sau.
Đọc thêm: 5 tuyệt chiêu tối ưu công suất nhà hàng
5. Đừng bỏ qua kênh bán hàng online
Với sự phổ cập mạnh mẽ của các ứng dụng đặt đồ ăn khiến khách hàng quen với việc mua hàng online. Cũng không ít chủ nhà hàng kiếm bội tiền nhờ tận dụng kênh bán hàng này. Nó trở thành xu hướng cho tất cả những người kinh doanh ăn uống bởi ở các ứng dụng, với số lượng khách hàng cực lớn và có nhiều chương trình khuyến mãi hỗ trợ chủ quán bán hàng cùng đội ngũ giao hàng hùng hậu. Doanh thu tăng trong khi chi phí mặt bằng, nhân sự không đổi sẽ giúp nhà hàng của bạn có thể sống vững, thậm chí có thể chống chọi lại những đợt giãn cách do dịch bệnh Covid.

Sẽ có rất nhiều những phát sinh trong quá trình vận hành nhà hàng, có những hạng mục được dự báo trước, cả những hạng mục bất ngờ. Tuy nhiên bằng cách nào đó vấn đề phải được giải quyết để nhà hàng có thể sống sót. Trên đây là 5 lưu ý cơ bản bạn cần chú ý hơn để giảm thiểu những thất bại không đáng có. Chúc bạn kinh doanh may mắn.