Mô hình bếp mở – Xu hướng thiết kế nhà hàng thu hút thực khách

Nếu như trước đây, quy trình chế biến, tạo ra những món ăn hấp dẫn là điều bí ẩn nằm trong căn bếp, đằng sau những cánh cửa đóng kín của nhà hàng thì ngày nay, mô hình bếp mở ngày càng được ưa chuộng hơn khi nó vừa giúp thực khách yên tâm về chất lượng vệ sinh vừa khiến họ cảm thấy hứng thú khi chứng kiến những “màn trình diễn” tuyệt vời từ các đầu bếp. Tuy nhiên hiện nay mô hình này chưa thực sự được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam bởi vẫn tồn tại nhiều thách thức mà không phải nhà hàng nào cũng dễ dàng áp dụng.
Vậy mô hình bếp mở là gì? Ưu nhược điểm của mô hình này ra sao? Làm thế nào để xây dựng một nhà hàng bếp mở thu hút thực khách? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. Mô hình bếp mở là gì?
Đúng như tên gọi của nó, thay vì những căn bếp đóng kín thường thấy thì mô hình bếp mở (show kitchen) là căn bếp nhà hàng với thiết kế “không gian mở” nơi các thực khách có thể nhìn thấy mọi thứ trong gian bếp cũng như trực tiếp chứng kiến, quan sát toàn bộ quy trình chế biến món ăn.

Tương tự như một căn bếp truyền thống, mô hình bếp mở cũng được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết như bếp, tủ đông, tủ lạnh, hệ thống hút khói khử mùi, lò nướng,… Tuy nhiên vì thực khách có thể nhìn thấy mọi thứ trong không gian bếp nên các thiết bị này cũng cần được đầu tư bài bản, không nên sử dụng các thiết bị cũ kỹ, ngoài ra cách sắp xếp và thiết kế bếp cũng cần sự tỉ mỉ, tinh tế để mang lại hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt khách hàng, đồng thời tạo sự tiện lợi cho các đầu bếp trong quá trình chế biến.
Hiện nay, mô hình bếp mở thường được lựa chọn sử dụng trong các nhà hàng phục vụ món ăn “nóng” (nướng, chiên, xào,…), nhà hàng có không gian nhỏ để tạo cảm giác thoáng đãng hơn, khách hàng sẽ tập trung nhiều đến gian bếp thay vì không gian eo hẹp xung quanh. Mô hình này hiện rất được ưa chuộng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc,… chuyên phục vụ các món như món nướng, sushi, dimsum,… và ngay cả các món bún, phở Việt Nam.
2. Những lợi thế giúp mô hình bếp mở ngày càng được ưa chuộng
2.1. Tối ưu cho không gian nhỏ
Mô hình bếp mở được xem là một cách thiết kế tối ưu dành cho các nhà hàng có không gian nhỏ hẹp. Không những tiết kiệm diện tích so với khi xây dựng một căn bếp riêng mà không gian bếp mở nếu được sắp xếp, trang trí khéo léo sẽ làm thoáng và nổi bật phần nội thất, gây ấn tượng hơn với thực khách.
2.2. Giúp đầu bếp thư giãn hơn
Các đầu bếp trong nhà hàng thường phải chịu nhiều áp lực về tốc độ chế biến, điều này cộng thêm sức nóng từ bếp và không gian gò bó chật hẹp có thể ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như giảm hiệu suất làm việc của họ. Với mô hình bếp mở, các đầu bếp được làm việc trong một không gian mở, thoáng đãng, tận dụng được ánh sáng tự nhiên, từ đó giúp họ cảm thấy thư thái, kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê nấu nướng, mang đến cho thực khách những món ăn ngon hơn, chất lượng hơn.

2.3. Minh bạch chất lượng, nâng cao lòng tin của khách hàng
Ngày nay, các thực khách ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Những hình ảnh, video về quy trình chế biến món ăn không hợp vệ sinh xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông hình thành nên tâm lý lo sợ, nghi ngờ của thực khách bởi họ không biết đằng sau cánh cửa bếp đang diễn ra những gì.
Ứng dụng mô hình bếp mở đồng nghĩa với việc nhà hàng sẵn sàng minh bạch hóa quy trình chế biến. Các đầu bếp thực hiện nấu nướng trong tầm mắt của khách hàng, thực khách hoàn toàn có thể theo dõi được các thiết bị sử dụng hay quy trình chế biến từ lúc sơ chế đến khi ra món có đảm bảo vệ sinh hay không. Sự công khai, minh bạch của mô hình bếp mở giúp gạt bỏ nỗi sợ hãi, giúp thực khách yên tâm hơn về những món ăn mà họ chuẩn bị thưởng thức.
Rất nhiều thương hiệu lớn đã ứng dụng mô hình bếp mở để chứng minh với khách hàng về tính minh bạch, không có gì phải che giấu của họ và nhận lại sự thành công rực rỡ. Chuỗi nhà hàng Chipotle với “Chipotle Experience” – nơi tất cả các thành phần của burritos, tacos, salads,… được bày ra trước mắt khách hàng và họ có thể tự mình kết hợp chúng để tạo nên một bữa ăn hoàn hảo nhất, tất cả quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm đều diễn ra trong tầm nhìn của khách hàng. Hay thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng Domino’s Pizza đã thiết kế mô hình bếp mở với tên gọi Pizza Theater (Nhà hát Pizza) với sảnh đợi thoải mái nơi khách hàng có thể theo dõi quá trình nhào bột, nướng bánh bằng tay thủ công.
2.4. Tạo kết nối, tăng tương tác với thực khách
Mô hình bếp mở cũng là một cách để kết nối và tương tác với khách hàng của bạn. Trong quá trình quan sát các đầu bếp chế biến, trình diễn khả năng nấu ăn thì thực khách cũng có thể dễ dàng trò chuyện với đầu bếp, đưa ra các yêu cầu chế biến riêng hay được giải đáp những thắc mắc liên quan đến món ăn như cách chế biến, giá trị dinh dưỡng,… Bên cạnh đó cách trò chuyện của người đầu bếp cũng góp phần tăng không khí vui vẻ, hứng thú cho bữa ăn của khách hàng.
Ngoài ra, thông qua tương tác trực tiếp với khách hàng, các đầu bếp cũng có thể nắm được phản ứng của thực khách đối với món ăn hay khả năng nấu nướng của mình để từ đó có những điều chỉnh phù hợp, tạo ra những món ăn phù hợp hơn với thói quen và khẩu vị của thực khách, đồng thời nâng cao tay nghề của bản thân.

2.5. Mang đến những trải nghiệm đa giác quan đầy thú vị
Không gian bếp mở thường có sức hấp dẫn đặc biệt với thực khách khi đến với nhà hàng. Không dừng lại ở việc quan sát quá trình chế biến thông thường mà còn để “mãn nhãn” với những màn trình diễn đầy điêu luyện của các đầu bếp. Mô hình bếp mở khơi gợi sự tò mò, thích thú của thực khách, giống như họ đang được theo dõi một bộ phim hay một cuộc thi nấu ăn đầy thú vị.
Khác với mô hình bếp kín – nơi khách hàng chỉ có thể cảm nhận mùi vị, hình ảnh của những món ăn đã được bày sẵn thì với mô hình bếp mở, mọi giác quan của thực khách đều được kích thích. Hương thơm, mùi vị đầy hấp dẫn của món ăn, âm thanh lách cách, tiếng va chạm của xoong chảo, cách kết hợp các nguyên liệu đầy sáng tạo cùng những kỹ năng tài tình của người đầu bếp,… tất cả những thứ âm thanh, mùi và cảnh nấu nướng đó sẽ tạo cho khách hàng cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn.
3. Những thách thức khi ứng dụng mô hình bếp mở
Ứng dụng mô hình bếp mở nghĩa là bạn đang công khai cho khách hàng về quy trình chế biến, về cách làm việc trong căn bếp,… Tính công khai này đòi hỏi mọi thứ phải thật hoàn hảo trước mặt khách hàng. Đó là lý do mà không phải nhà hàng nào cũng có thể tự tin áp dụng mô hình bếp mở. Quản lý một căn bếp kín đã khó thì quản lý một căn bếp mở lại càng khó khăn và áp lực gấp bội.
3.1. Biến nhà bếp thành một dàn nhạc mà không ai bị “lạc nhịp”
Với mô hình bếp mở, khách hàng có thể quan sát toàn bộ không gian bếp và những gì xảy ra bên trong đó. Chắc chắn không một nhà hàng nào muốn khách hàng của mình chứng kiến sự lộn xộn bên trong căn bếp khi các đầu bếp cuống cuồng làm việc trong sự hối thúc, những tiếng hò hét phân chia nhiệm vụ hay thậm chí là những lời trách mắng khi làm sai order, sai quy cách của món ăn,… Bởi vậy khi vận hành một căn bếp mở, bạn cần đảm bảo mọi quy trình diễn ra thông suốt, mọi bộ phận trong bếp phối hợp nhịp nhàng với nhau ngay cả vào thời điểm đông khách nhất.

3.2. Sự ngăn nắp và sạch sẽ luôn cần được đảm bảo
Căn bếp nhà hàng là nơi tập hợp rất nhiều trang thiết bị, dụng cụ nấu nướng, các thiết bị bảo quản thực phẩm,… Những trang thiết bị này cần được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp để đảm bảo sự thông thoáng, dễ nhìn cho căn bếp. Bên cạnh đó, khu vực bếp cũng rất dễ bám bẩn bởi rác thực phẩm, dầu mỡ,… Việc vệ sinh các bề mặt, thiết bị trong bếp phải được thực hiện thường xuyên để đảm bảo không gian bếp luôn sạch sẽ. Một căn bếp lộn xộn, thiếu ngăn nắp và không đảm bảo vệ sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến khẩu vị cũng như gây ấn tượng xấu với khách hàng. Chắc chắn không ai muốn đến dùng bữa tại một nhà hàng mà họ cảm thấy e ngại về tính vệ sinh và an toàn của món ăn.

Vấn đề nữa cần chú ý là với mô hình bếp mở, khách hàng sẽ phải ngửi mùi của nhiều loại gia vị, đồ ăn cùng một lúc và không phải ai cũng dễ chịu với điều đó. Đầu tư hệ thống thông gió, xử lý khói và hút mùi thật tốt là điều nên làm tại các nhà hàng bếp mở để đảm bảo trải nghiệm ăn uống cho thực khách. Ngoài ra tiếng ồn cũng cần được hạn chế trong mô hình bếp mở. Mặc dù những âm thanh nấu nướng như tiếng xèo xèo của thịt trên vỉ nướng cũng góp phần tăng trải nghiệm ăn uống cho thực khách nhưng khi nó trở thành tiếng ồn thì sẽ gây khó chịu cho họ. Lắp đặt các tấm trần tiêu âm hay sử dụng các tấm kính cao từ trần đến sàn,… là những giải pháp có thể sử dụng để giảm tiếng ồn trong mô hình bếp mở.
3.3. Quy định nghiêm ngặt về đồng phục, ngoại hình của nhân viên bếp
Nếu như với các căn bếp kín, đầu bếp là những người “bí ẩn” đằng sau cánh cửa mà thực khách không nhìn thấy, họ có thể không cần yêu cầu cao về mặt trang phục (chỉ cần thoải mái và đảm bảo vệ sinh) thì với mô hình bếp mở, các đầu bếp trực tiếp hiện diện trước mắt khách hàng nên đòi hỏi sự chỉn chu, nghiêm túc về trang phục và ngoại hình. Thông thường, các nhà hàng bếp mở sẽ có đồng phục dành cho nhân viên bếp như quần áo, tạp dề, mũ đầu bếp, găng tay,… để đảm bảo các đầu bếp luôn xuất hiện với vẻ ngoài lịch sự, sạch sẽ, thu hút khách hàng, làm tăng tính chuyên nghiệp cho nhà hàng.
3.4. Người đầu bếp cũng là nghệ sĩ
Ở mô hình bếp mở, các đầu bếp sẽ trực tiếp thể hiện kỹ năng của mình, đồng thời trò chuyện, khơi gợi tương tác với khách hàng. Do đó yêu cầu đối với các đầu bếp khi phục vụ trong không gian bếp mở cũng cao hơn: Không chỉ thành thạo về kỹ năng nấu nướng, có kiến thức chắc chắn về ẩm thực mà còn phải có khả năng giao tiếp tốt. Ngay từ khâu tuyển dụng, đào tạo đầu bếp thì bạn nên chắc chắn rằng họ hội đủ đầy đủ những yếu tố này. Một đầu bếp giỏi nấu nướng nhưng ngại giao tiếp không phải là lựa chọn phù hợp với mô hình bếp mở.
4. Những lưu ý để có một mô hình bếp mở thu hút khách hàng
4.1. Xác định rõ phần không gian bếp mà bạn muốn công khai
Thiết kế nhà hàng theo mô hình bếp mở nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải “mở” toàn bộ không gian bếp. Trong quá trình sơ chế, chế biến có thể có những sự việc không được như ý và nếu để khách hàng nhìn thấy có thể khiến họ có những đánh giá tiêu cực. Do đó khi dự định thiết kế mô hình bếp mở, bạn nên xác định rõ phần nào bạn muốn “show” ra cho khách hàng và phần nào nên được “giấu” đi.

Có nhiều nhà hàng lựa chọn chỉ trưng bày phần hấp dẫn và dễ thu hút khách hàng nhất là khâu chế biến, còn quá trình sơ chế được thực hiện trong bếp kín. Những nhà hàng với đặc trưng là các món nướng thì họ sẽ muốn khách hàng nhìn thấy phần hấp dẫn nhất là khi thức ăn được nướng chín trên vỉ. Một số nhà hàng có quầy bếp nhỏ lại chỉ trưng bày ra cho khách hàng khâu trang trí, hoàn thiện món ăn,… Tuy nhiên cũng có những nhà hàng sẵn sàng chấp nhận thử thách, “mở” toàn bộ quy trình của họ cho khách hàng có thể quan sát.
4.2. Cách thức mà khách hàng có thể tương tác với bếp
Đối với mô hình bếp mở, thực khách có thể ngồi tại bàn như mô hình truyền thống và tương tác gián tiếp với khu vực bếp hoặc cũng có thể ngồi tại các quầy bar là một phần của bếp để quan sát và tham gia tương tác trực tiếp. Ngay khi dự định theo đuổi mô hình bếp mở, bạn nên xác định rõ vấn đề này để có cách thiết kế cũng như phương thức vận hành phù hợp. Ví dụ với mô hình mà thực khách ngồi tại bàn để quan sát bếp thì bạn cần bố trí bàn cũng như thiết kế khu vực bếp sao cho không che mất tầm nhìn của khách dù họ ngồi ở vị trí nào.
4.3. Thiết kế mô hình bếp mở
Tính thẩm mỹ cũng rất quan trọng khi thiết kế mô hình bếp mở. Lối thiết kế tối giản với những gam màu đơn sắc, hạn chế các chi tiết rườm rà, dư thừa rất được ưa chuộng trong mô hình này bởi nó vừa tận dụng không gian tốt vừa giúp khách hàng tập trung hơn vào quá trình chế biến của đầu bếp. Các đồ nội thất được sử dụng trong mô hình bếp mở thường làm từ đồng hoặc kim loại có màu sắc tươi sáng để làm nổi bật không gian. Ngoài ra màu sắc từ gỗ tự nhiên cũng được sử dụng nhiều để tạo không gian gần gũi, thân thiện.
