7 Cách xây dựng menu nhà hàng lẩu nướng

Mỗi khi trời se lạnh, món ăn được nhiều người nghĩ đến nhiều nhất chính là lẩu và nướng. Cứ đến mùa đông là hàng loạt quán lẩu nướng lớn nhỏ mở lên để đáp ứng được các nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Nhưng làm sao để có thể xây dựng được menu nhà hàng lẩu nướng bắt mắt và hút khách? Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho các bạn 7 cách xây dựng menu nhà hàng lẩu nướng.
1. Xác định khách hàng mục tiêu
Xác định khách hàng mục tiêu là bước đầu tiên khi bạn bắt đầu kinh doanh nhà hàng lẩu nướng. Chủ nhà hàng cần phải phân biệt rõ nhóm khách hàng mình hướng tới là ai, khả năng chi tiêu của họ là như thế nào, thói quen ăn uống ra sao để lên menu cho phù hợp.
Từ những nghiên cứu đó về khách hàng mục tiêu, bạn có thể xây dựng menu nhà hàng lẩu nướng sao cho phù hợp với từng phân khúc khách hàng: khách hàng là người có kinh tế khá giả, khách hàng là sinh viên,… Bên cạnh đó bạn cũng có thể biết về khẩu vị khách hàng, có nhóm khách hàng chỉ thích ăn lẩu, có nhóm lại thích ăn nướng, nhóm lại thích ăn cả hai.

Nhiều chủ quán cho rằng việc xác định khách hàng mục tiêu là không quan trọng, nhưng đây chính là chìa khóa giúp quán của bạn thu hút khách hàng đến với nhà hàng lẩu nướng của mình. Nếu muốn kinh doanh tốt nhất định bạn không được bỏ qua bước này.
2. Tạo sự khác biệt trong menu
Ngày càng có nhiều quán lẩu nướng mọc lên, giữa hàng trăm hàng nghìn quán đó, bạn nghĩ sao khách hàng lại chọn quán của mình? Với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà hàng từ cao cấp cho tới bình dân, để tồn tại nhà hàng của bạn buộc phải tạo được sự khác biệt nổi trội. Nét đặc biệt đó đến từ sản phẩm, để mỗi lần nghĩ đến món ăn đó khách hàng sẽ nhớ và lựa chọn nhà hàng của bạn.
Khách hàng thông thường sẽ lựa chọn món ăn sau đó mới tìm đến những nhà hàng phục vụ loại món ăn đó. Chẳng hạn như, khách hàng muốn ăn lẩu riêu cua sườn sụn nên sẽ tìm đến những nhà hàng chuyên món lẩu riêu cua sườn sụn. Nhưng lúc này nhà hàng của bạn phải có gì đặc biệt hơn quán khác mới khiến khách hàng tìm đến chứ đúng không? Có thể về mùi vị món ăn, về những món ăn đi kèm, về giá,… bất kể điều gì khiến quán bạn đặc sắc hơn những quán khác.

Nhà hàng của bạn không thể phục vụ tất cả nhu cầu và mong muốn của khách hàng, vì vậy hãy tập trung vào một vài món đặc trưng, như vậy sẽ giúp nhà hàng tạo được ấn tượng trong mắt khách hàng.
Với sự du nhập của nhiều món ăn độc đáo, các nhà hàng ngày càng thêm nhiều món ăn mới vào thực đơn nhà hàng, mục đích làm phong phú thực đơn nhà hàng. Nhưng sau một thời gian thì họ nhận ra thực đơn nhiều món sẽ gây loãng và khách hàng sẽ không biết chọn món gì. Khách hàng sẽ thích đến những nhà hàng có những món ăn đặc trưng hơn, bởi vì họ sẽ không tốn thời gian chọn món. Thế nên, các nhà hàng đang chuyển dần thực đơn đa dạng phổ biến sang tập trung, mở rộng về chất lượng thay vì số lượng món ăn.

Hiện nay, các quán lẩu nướng kinh doanh theo hai hình thức chính là gọi món hoặc buffet. Mỗi hình thức kinh doanh sẽ có cách trình bày và mức giá khác nhau nên cần tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn hình thức phù hợp cho quán.
Xem thêm: Kinh doanh chuỗi cửa hàng ăn uống: Khi thách thức luôn song hành
3. Phân nhóm các món ăn
Nhà hàng lẩu nướng kinh doanh nhiều loại món ăn, bởi vậy nên làm menu phân nhóm các món ăn để khách hàng dễ tìm kiếm. Tùy vào tính chất món ăn cũng như cách ăn của món bạn có thể phân ra đâu là món chính, đâu là món khai vị, đâu là món ăn kèm,…
Thứ tự thiết kế menu cũng cần đi theo thứ tự ăn của món ăn từ món khai vị rồi đến món chính, món ăn kèm, và cuối cùng là tráng miệng. Xây dựng menu nhà hàng lẩu nướng theo cách này không chỉ giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn món ăn mà còn giúp đầu bếp căn được thời gian chuẩn bị các món, phục vụ các món nhanh nhất cho khách hàng.

Nhà hàng bạn cũng nên thiết kế những hình ảnh sinh động để kích thích vị giác của khách hàng. Khi nhìn vào hình ảnh họ có thể hình dung ra món ăn và đưa ra quyết định chọn món ngay lập tức.
4. Xây dựng menu combo
Trong menu nhà hàng lẩu nướng chắc chắn không thể thiếu các combo. Đây là cách xúc tiến bán hàng phổ biến hiện nay của các nhà hàng, việc áp dụng các combo giúp khách hàng nhanh chóng lựa chọn. Ví dụ: Khi khách hàng đã gọi món A lại phải đau đầu nghĩ xem món nào ăn cùng món A sẽ phù hợp, lúc này các combo sẽ giúp khách hàng chọn món thật nhanh chỉ với một lần gọi món.

5. Đánh trọng tâm vào các món ăn chính
Một khách hàng mới chưa từng ăn tại nhà hàng của bạn trước đó bao giờ, họ sẽ không biết món nào ngon nhất, đặc trưng nhất để gọi. Do vậy, trên thực đơn nhà hàng lẩu nướng bạn cần phải làm nổi bật được món chính mà bạn muốn bán, đó phải là món giúp nhà hàng bạn tăng doanh thu chính.
Để xác định được món chính bạn cần phải đo lường, khảo sát khách hàng xem họ thích món nào nhất, món nào đang bán chạy và mang lại lợi nhuận cho cửa hàng nhất,… Từ đó làm nổi bật món ăn đó trên thực đơn và cắt giảm những món không có lợi nhuận, không được khách hàng yêu thích.

Khi đã xác định được đâu là món trọng tâm, bạn nên để nó thật nổi bật trong thực đơn. Bởi khách hàng sẽ có xu hướng chọn món đầu tiên trong thực đơn mà họ thấy. Tuy là món ăn chính, nhưng bạn cũng nên cân đối đến giá món, vì nếu để giá món cao hay thấp quá cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định chọn món của khách.
6. Xây dựng menu vào những dịp đặc biệt
Vào những dịp lễ như Valentine, 8/3, 20/10, ngày hội độc thân 11/11,… nhà hàng nên có những thực đơn mới hợp với chủ đề của các ngày này để thu hút thêm nhiều khách hơn.
Ngoài ra, xây dựng thực đơn khuyến mãi vào mùa vắng khách cũng là chiến lược kinh doanh giúp nhà hàng hấp dẫn khách để mang lại lợi nhuận. Đặc biệt đối với nhà hàng lẩu nướng vào mùa hè nắng nóng sẽ vắng khách hơn so với mùa đông, khách hàng có xu hướng chọn những nhà hàng điều hòa mát lạnh vì vậy những quán ăn vỉa hè sẽ bị đào thải vào thời gian này. Nếu bạn nắm bắt được cơ hội, thì nhà hàng của bạn sẽ kinh doanh phát đạt.

7. Cập nhật các món ăn thường xuyên
Khi đã dấn thân vào ngành kinh doanh ăn uống, bạn cần hiểu rằng thị hiếu của khách hàng sẽ liên tục thay đổi nên muốn thu hút khách thì phải cập nhật thực đơn liên tục. Thêm các món ăn mới theo xu hướng, điều chỉnh chi phí món ăn cũng như các chi phí khác ít nhất 1 lần/năm sẽ giúp nhà hàng đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho thực khách. Nhà hàng cũng có thể thực hiện khảo sát mong muốn của khách hàng để đưa ra thay đổi phù hợp.
Tuy nhiên sau một thời gian kinh doanh mà món ăn mới đó không được khách hàng ưa thích thì bạn nên thay đổi hoặc xóa món ăn đó để tránh gây rối thực đơn, khách hàng khó lựa chọn. Với nhà hàng kinh doanh lẩu nướng, menu của nhà hàng bạn phải vẫn tập trung các món lẩu và nướng, các món ăn đi kèm cần chọn lọc trước khi thêm vào menu.

Mô hình nhà hàng lẩu nướng đang là mô hình kinh doanh rất được ưa chuộng hiện nay, các chủ quán cần phải chăm chút thật kỹ lưỡng cho quán mình từ những việc rất nhỏ. Menu nhà hàng lẩu nướng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút khách hàng đến quán, với những cách xây dựng menu trên đây hy vọng nhà hàng của bạn sẽ kinh doanh thành công.