10 Cách đặt tên nhà hàng “độc” và “lạ”

Đặt tên cho nhà hàng cũng giống như bạn đặt tên cho những đứa con, vì đó không chỉ là một cái tên để gọi mà còn là thương hiệu để mọi người nhớ tới và hình dung về nhà hàng của bạn. Vậy làm sao để đặt một cái tên độc đáo để bất cứ ai cũng nhớ đến nhà hàng của bạn?
1. Đặt tên nhà hàng dựa theo phim ảnh
Với sự phát triển và phổ biến hiện nay của phim ảnh thì việc lựa chọn một cái tên độc đáo đến tự một bộ phim nổi tiếng sẽ gây được dấu ấn trong lòng khách hàng. Đối với các nhà hàng Trung Hoa hay ẩm thực truyền thống Việt Nam bạn có thể chọn tên Hán Việt đến từ những bộ phim nổi tiếng như: Hồng Lâu Mộng (phim Hồng Lâu Mộng), Hồ Điệp (phim Uyên ương hồ điệp), Tây Du Ký,… Với cá quán ăn Hàn Quốc thì bạn có thể đặt những cái tên như Itaewon, Son Dam Dong, Reply 1988,…

Ví dụ một cái tên độc đáo đến từ “Lương Sơn Quán” từ bộ phim Thủy Hử. Mang ý nghĩa sự vui vẻ giữa bạn bè. Quán nhậu nhanh chóng thu hút khách hàng và khiến họ cảm thấy dễ nhớ đối với cái tên này. Phong cách quán tại đây cũng được thiết kế và trang trí sân vườn.
Chắc chắn, khách hàng sẽ cảm thấy vô cùng ấn tượng với cách đặt tên này. Sau kết hợp với cách phục vụ chuyên nghiệp và mang lại những món ăn ngon cho thực khách. Việc kinh doanh của bạn sẽ trở nên thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
2. Đặt tên nhà hàng theo giá
Cách đặt tên này thì khá là đơn giản, không cần suy nghĩ nhiều. Bạn định giá bán đặc trưng của quán là bao nhiêu thì hãy gắn luôn giá đó với tên của quán. Nhưng lưu ý, cách đặt tên này có nhiều rủi ro trong tương lai nhé, vì “giá” là một con số rất thường xuyên thay đổi, bạn nên cân nhắc kỹ.
Ví dụ: Buffet nướng 99k, buffet ốc 49K,…

3. Đặt tên nhà hàng bằng địa chỉ kinh doanh
Việc lựa chọn đặt tên quán bằng số nhà cũng là cách lựa chọn rất độc đáo và dễ nhớ. Điều này cũng giúp khách hàng ghi nhớ luôn địa chỉ kinh doanh của bạn. Và nó sẽ giúp cho việc giới thiệu, quảng cáo quán ăn trở nên hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đây là cách áp dụng khi bạn có một địa chỉ kinh doanh, đối với các địa chỉ hay chi nhánh khác nhau nếu bạn áp dụng cách này, nó có thể khiến cho khách hàng dễ dàng bị hiểu nhầm.

4. Đặt tên nhà hàng với các tên đơn giản dễ nhớ
Trước khi bạn nghĩ tới việc đặt một cái tên thật ấn tượng và ý nghĩa thì hãy nghĩ đến “dễ nhớ – dễ đọc – dễ viết”. Một cái tên dễ nhớ, dễ đọc là cách nhanh nhất để thực khách “nhìn” thấy nhà hàng của bạn, nhớ về nó và nhớ thêm lần nữa để nói về nó với người khác.
Đừng bỏ qua “một cái tên dễ viết” vì việc này sẽ thêm một điểm cộng để cái tên nhà hàng của bạn được người dùng gõ và chia sẻ với nhau qua các kênh chia sẻ online (tin nhắn, google, zalo, facebook,…). Hãy lưu ý tới bộ gõ tiếng Việt có dấu tại Việt Nam. Để có thể có một cái tên dễ nhớ, dễ đọc bạn hãy lưu ý các điều sau:
- Dễ nhớ: Nên ngắn gọn, đơn giản, tốt nhất chỉ nên đặt tên nhà hàng dài không quá 5 từ. Ví dụ: Làu Buffet, Lẩu Phan,…
- Dễ đọc: Bạn có thể đặt tên nhà hàng theo tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Nếu là tiếng Việt, nên tránh đặt những cái tên dễ bị hiểu lầm theo ý nghĩa tiêu cực, hoặc theo “tiếng lóng” thô tục. Nếu là tiếng nước ngoài thì nên chọn những cái tên ngắn gọn, đơn giản, với các chữ cái dễ đọc khi phiên âm sang tiếng Việt.
- Lặp lại vần điệu cũng là một cách đặt tên dễ nhớ, dễ đọc. Ví dụ: Kichi – Kichi
- Dễ viết: Hãy chọn những cái tên không bị lặp dấu khi gõ bằng bộ gõ tiếng Việt tại Việt Nam như: oo=ô, aa= â,…

5. Đặt tên nhà hàng pha chút hài hước
Đôi khi sẽ rất có ích nếu bạn hài hước một chút. Các khách hàng thường đánh giá cao điều này, và công việc kinh doanh nhà hàng của bạn nhờ đó mà được quảng cáo miễn phí. Tuy nhiên, đừng lạm dụng cách đặt tên này mà hài hước quá đà nhé, đôi khi lại phản tác dụng, bởi xã hội luôn có những người “thích nghiêm túc” hơn.
Ví dụ: Nhà hàng ILDIVO (im lặng và đi vô)
6. Đặt tên nhà hàng theo món ăn đặc sản
Đây là ý tưởng tuyệt vời giúp khách hàng có thể nhận biết nhanh sản phẩm mà nhà hàng của bạn phục vụ. Bạn không cần phải nghĩ một cái tên cầu kỳ, tốn thời gian mà chỉ cần lấy tên từ chính sản phẩm, món ăn chính mà bạn bán cho khách hàng.
Ví dụ: Chả cá lăng, Gà mạch hoạch, Gà đồi, Lợn quay 7 món,…
Tuy nhiên, nhược điểm của việc đặt tên này là bạn rất dễ bị trùng tên với thương hiệu khác, vì vậy hãy nghiên cứu thật kỹ thị trường xung quanh để đặt tên không bị trùng nhé.

7. Đặt tên nhà hàng tạo sự liên tưởng tò mò
Tạo liên tưởng – có nghĩa là bạn không nói “toạc” ra những gì bạn đang có cho khách hàng biết, mà cần qua một bước trung gian để khách hàng “nghĩ thêm” về nhà hàng của bạn. Để đặt được tên theo cách này, bạn cần chắc chắn rằng mình là người hiểu rõ về nhà hàng của mình nhất, để từ đó tìm ra một cái tên ngắn gọn, súc tích mà ý nghĩa.
Ví dụ: Nhà hàng Wrap & Roll liên tưởng tới các món gỏi và cuốn. Chuỗi Phở 24 thì gợi liên tưởng về các bát phở được chế biến từ 24 loại nguyên liệu khác nhau,…
8. Đặt tên nhà hàng theo những con số
Hình thức đặt tên nhà hàng bằng những con số không quá phổ biến, nhưng cũng có một số người chọn đặt tên nhà hàng theo cách này. Bản thân các con số cũng gây ấn tượng với khách hàng bởi khả năng dễ ghi nhớ.
Đặc biệt, thường thì sau các con số đều là “câu chuyện” có ý nghĩa của chủ quán hoặc của chính nhà hàng đó. Vì vậy khi đặt tên nhà hàng theo những con số này, bạn có thể lồng ghép ý nghĩa vào thông điệp nhà hàng gửi tới khách hàng để gây ấn tượng hơn.

Ví dụ: Nhà hàng 1946 (phục vụ các món ăn Việt kiểu vùng quê xưa, với bát đũa, bàn ghế và thực đơn, cách tính giá cũng theo kiểu “đồng bạc Đông Dương”) hay nhà hàng Phở 1983, Nhà hàng FA 1975, Quán 1954,…
9. Đặt tên nhà hàng theo từ viết tắt
Rất nhiều nhà hàng lớn đã sử dụng cách đặt tên viết tắt cho thương hiệu của mình. Thông thường, tên gọi này thường đi kèm với lĩnh vực kinh doanh. Chúng ta có thể kể đến các thương hiệu lớn sử dụng hình thức đặt tên viết tắt này như KFC, Kichi – Kichi,…
Việc dùng từ viết tắt để đặt tên nhà hàng khá là dễ dàng. Tuy nhiên những tên gọi đó phải có ý nghĩa để nâng tầm thương hiệu và có vần điệu dễ nghe, dễ hình dung.
10. Đặt tên nhà hàng theo thị hiếu khách hàng
Đây rõ ràng là một chiến lược đặt tên khôn ngoan và đầy thức thời, lại không cần phải nghĩ quá nhiều cầu kỳ phức tạp. Bạn chỉ cần hiểu khách hàng mục tiêu của bạn là ai và đặt một cái tên cho quán ăn của mình, đơn giản vậy thôi!
Ví dụ: Tại Hà Nội thì mở quán Lẩu nướng không khói Sài Gòn; tại Sài Gòn lại có quán Chả cá Hà Nội phố,… Hay các tên quán như: Cơm quê mẹ nấu – khơi gợi tình cảm của những người con xa quê; Cơm trưa nhà làm – hướng tới đối tượng dân văn phòng ăn trưa,…

Trên đây là tổng hợp các cách hay để đặt tên nhà hàng, quán ăn. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng riêng cho tên quán. Lưu ý trong các bí quyết trên, bạn có thể kết hợp 2 hay nhiều cách lại để đưa ra tên độc lạ cho quán bạn. Nhưng đừng làm cho tên trở nên phức tạp, khó hiểu và rối rắm quá nhé.