Cuộc chiến mặt bằng trong ngành F&B

Thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống (Food & Beverage Service) tại Việt Nam đang thực sự bùng nổ trong những năm gần đây với sự góp mặt của hàng loạt “ông lớn”. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh dữ dội, mở đầu là cuộc chiến về mặt bằng kinh doanh F&B. Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau nhé.
1. Tại sao mặt bằng lại quan trọng?
Trong kinh doanh F&B, bên cạnh yếu tố sản phẩm thì yếu tố vị trí cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kinh doanh của quán. Tùy thuộc vào số vốn mà bạn có thể cân nhắc việc lựa chọn mặt bằng sao cho phù hợp. Mặt bằng mà bạn chọn sẽ quyết định đến sự thành công trong quá trình kinh doanh. Khi bạn chọn được mặt bằng có địa điểm đẹp ở phố lớn, quy mô rộng, ở trung tâm sẽ dễ dàng thu hút khách hàng hơn ở những nơi vắng vẻ.

Hầu hết các cửa hàng trong lĩnh vực F&B hiện nay đều phải đi thuê mặt bằng. Chính vì thế yêu cầu đầu tiên khi thiết kế – thi công nội thất là phải nhanh chóng, cắt giảm được tối đa chi phí. Việc thiết kế cửa hàng cần được tiến hành song song với việc xây dựng, thi công và thiết kế nội thất.
2. Cuộc chiến mặt bằng kinh doanh F&B
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước (11,60%), cho thấy nhu cầu tiêu dùng tăng.
Về du lịch, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với 12,90 triệu lượt khách quốc tế tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Du khách đến từ châu Á vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến tham quan Việt Nam. Nhờ vào cơ cấu dân số trẻ có sức mua lớn và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu đã không ngừng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ, đặc biệt là mô hình kinh doanh theo chuỗi.

Báo cáo của JLL quý 3/2019 chỉ ra rằng các khách thuê trong ngành F&B, thời trang tiêu thụ nhanh và lifestyle sẽ tiếp tục là nguồn cầu chính trên thị trường bán lẻ. Trong đó, nhu cầu tiếp tục khả quan trên thị trường. Các khách thuê với nhu cầu trên 1.000 m2 rất khó có thể tìm được một vị trí phù hợp trong khu vực trung tâm thành phố. Hầu hết các khách thuê yêu cầu diện tích lớn phải chờ đợi và “ghép” những không gian liền kề nhau hoặc các trung tâm bán lẻ đang trong quá trình cải tạo/nâng cấp.
Chính điều này đã khiến giá thuê mặt bằng bán lẻ khu trung tâm Tp. HCM đã đạt mức xấp xỉ 130 USD/m2/tháng tính đến quý 1/2019, mức giá này tăng theo quý trong năm. Theo các chuyên gia, trong vận hành các chuỗi nhà hàng F&B, chi phí thuê mặt bằng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, và vị trí thường quyết định thành bại của một nhà hàng. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất trong việc mở một chuỗi F&B.
Thực tế thì, F&B đang hiện diện ngày càng dày đặc tại các mặt bằng bán lẻ đắc địa tại các thành phố. Các thương hiệu quốc tế và chuỗi cửa hàng trong nước nhắm vào phân khúc bình dân/trung cấp kinh doanh các mặt hàng như F&B, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và thời trang tiêu thụ nhanh có kết quả kinh doanh khả quan và được các chủ nhà ưa chuộng.

Nhìn chung, nguồn cung mặt bằng cho ngành nghề kinh doanh này không hề thiếu, tuy nhiên những dự án có bố cục mặt sàn tốt, vị trí đắc địa, phù hợp được với yêu cầu của khách hàng thì không thừa, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Cụ thể là, tại các trung tâm thương mại hay nhà phố ở hai tỉnh thành có mặt bằng dưới đất nhưng mức giá “trên trời”, ít thương hiệu F&B nào có đủ khả năng chi trả, đặc biệt là trong thời kỳ Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Xem thêm: 10 cách Marketing nhà hàng thu hút khách
3. Chiến lược bao vây trung tâm
Trong ngành F&B hiện đang phân chia thành hai hướng rõ rệt. Theo đó, với những thương hiệu thức ăn nhanh, do phục vụ số đông và buộc phải mở rộng liên tục nên yêu cầu về mặt bằng khá “dễ thở”. Đại diện của Lotteria cho rằng, nếu trước đây, họ chuộng các mặt bằng lớn, ngay vị trí trung tâm thì nay, các nhà hàng của Lotteria chấp nhận mặt bằng ở các tuyến đường nhỏ và diện tích bị hạn chế hơn. Hay nói một cách dễ hiểu thì ngày nay, cửa hàng thức ăn nhanh phát triển ở mọi nơi tại Tp. HCM.
Song, điều này, cũng tùy thuộc vào chiến lược của từng hãng, có những hãng chỉ “đánh” vào mặt bằng tại các trung tâm thương mại, trong khi có hãng lại đi vào khai thác khách hàng ở khu dân cư. Lẽ dĩ nhiên, không phải cửa hàng nào mở ra cũng “bách thắng” nhưng chí ít trong vài năm đầu, các thương hiệu chỉ đặt trọng tâm vào việc tăng độ phủ so với đối thủ.

Hướng thứ hai trong ngành F&B là đối với các tên tuổi thuộc nhánh đồ uống, có quy mô như Starbucks, Gloria Jeans Coffee hay The Bean, do đối tượng phục vụ của họ là tầng lớp có thu nhập cao và chi phí đầu tư cho mỗi cửa hàng không nhỏ (trên dưới 500.000 USD/cửa hàng) nên họ “đánh mạnh” vào khu vực trung tâm.
Điều này cũng có nghĩa, bán kính để họ theo dõi động tĩnh của đối thủ cũng được giới hạn trong phạm vi hẹp hơn (không như các cửa hàng thức ăn nhanh, phát triển ra tận khu vực ngoại thành, như trường hợp Lotteria mở cửa hàng tại siêu thị Coop Mart Củ Chi hay xuất hiện ở các tỉnh lân cận Tp. HCM).
Theo một chuyên gia có kinh nghiệm khai thác mặt bằng cho một số thương hiệu F&B tại Tp. HCM, lợi thế của thương hiệu ngoại là bản thân họ và cả những đơn vị nhượng quyền Việt Nam có tiềm lực tài chính nên không ngại vung tiền cho việc sở hữu mặt bằng đẹp. Chiến lược của các đơn vị này là tiến tới “sự tiện lợi” về khoảng cách giữa các cửa hàng. Hay nói dễ hiểu là trong khu vực trung tâm, họ càng sở hữu nhiều mặt bằng càng tốt.
Hiện nay, các chủ cửa hàng F&B đang dần có xu hướng lựa chọn mặt bằng xa các khu trung tâm để tránh việc phải tranh giành và chi phí cao. Thay vào đó, xu hướng lựa chọn mặt bằng phân tán tới các khu dân cư, đô thị mới ngày càng được ưa chuộng hơn. Mặt bằng với 60-80 chỗ đang là ưu tiên vì mong muốn lấp đầy các bàn trống và tối ưu chi phí hơn.
4. Cố lấy được mặt bằng đẹp mà quên đi bài toán lợi nhuận
Xét về tốc độ phát triển thì xu hướng phát triển của F&B hiện nay thì thực sự câu chuyện về mặt bằng cho thuê đang khá khốc liệt. Rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong F&B phải cạnh tranh rất quyết liệt để lấy được mặt bằng phù hợp. Tuy vậy, có một thực tế đang diễn ra trên thị trường này là F&B quá quan trọng trong việc cố lấy được mặt bằng đẹp, sẵn sàng trả giá rất cao nhưng lại quên đi bài toán về lợi nhuận.

Nếu trong kinh doanh F&B chỉ cố lấy được mặt bằng cho đẹp, giá cao nhưng quên bài toán lợi nhuận thì rất dễ “fail”. Bất kể mặt bằng có tốt bao nhiêu, giá trả cao như thế nào, đông khách ra sao nhưng giá sản phẩm bán ra cho khách niêm yết, không thay đổi. Sản phẩm đó ở quận 7, quận 10 hay các quận trung tâm thì giá phải đồng nhất, điều này dẫn đến câu chuyện là giá mặt bằng càng cao thì lợi nhuận phải càng tốt. Tuy nhiên, thực tế đang phản ánh là F&B mở rộng thương hiệu, cố lấy mặt bằng đẹp nhưng kinh doanh lại không đạt như kỳ vọng dẫn đến mặt bằng dễ bị trống và gặp khó khăn.
Giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại vị trí trung tâm lại đang quá cao. Các thương hiệu đang cạnh tranh với các hãng khác để lấy được mặt bằng. Chính điều này đã vô tình đẩy giá cho thuê cao so với mức tiêu dùng của người Việt. Theo xu thế tiêu dùng chung của người Việt hiện nay thì ít người trả quá mức 300 ngàn đồng/1 suất ăn. Cho nên nếu chọn vị trí mặt bằng quá đẹp nhưng giá khách hàng trả cố định, trong khi giá thuê mặt bằng ngày càng tăng thì lợi nhuận sẽ ngày càng thu hẹp, dẫn đến nguy cơ đóng cửa.
Vì vậy các startup hay các doanh nghiệp làm ở lĩnh vực F&B thì bài toán đầu tiên là phải tính đến sự ổn định. Không phải cứ mở quán ra, lấy được mặt bằng thật đẹp có nghĩa là đã thành công.
Về lâu về dài, mặt bằng có vai trò quan trọng trong việc đem lại doanh thu và lợi nhuận cho cửa hàng bạn, đặc biệt là trong ngành F&B. Không thể phủ nhận, những quán của vị trí đẹp sẽ có nhiều khách hàng ghé tới hơn, tuy nhiên, các chủ quán cũng cần để ý đến chất lượng sản phẩm và phục vụ nữa. Cuộc chiến mặt bằng ngành F&B sẽ còn kéo dài, bạn cần tỉnh táo và đưa ra những quyết định sáng suốt cho cửa hàng mình.