Bí quyết phát triển sản phẩm chất lượng của một nhà hàng thành công

Giữa bối cảnh thị trường F&B đang rơi vào tình trạng bão hòa như hiện nay, những ai muốn khởi nghiệp bằng ẩm thực càng nên chú trọng vào việc nghiên cứu, sáng tạo hướng đi mới cho riêng mình. Bên cạnh các yếu tố như địa điểm, mô hình kinh doanh thì việc tạo ra sản phẩm chất lượng, độc đáo vẫn luôn là yếu tố cốt lõi giúp các nhà hàng thu hút và giữ chân được khách hàng. Vậy làm thế nào để thực sự tạo ra sản phẩm chất lượng, hãy cùng Quản lý nhà hàng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Sản phẩm trong kinh doanh nhà hàng là gì?
Sở hữu công thức gia truyền mà ai thử cũng khen ngon, bạn đem ước mơ kinh doanh thành công một nhà hàng cho riêng mình với suy nghĩ: Sản phẩm tốt chắc chắn sẽ đông khách. Đây là suy nghĩ sai lầm phổ biến của không ít các chủ nhà hàng khi đang có ý định bước chân vào ngành dịch vụ F&B. Thực tế cho thấy, sự thành công của nhà hàng không chỉ nằm trên menu mà còn là sự kết hợp giữa ba yếu tố: món ăn, dịch vụ và không gian.
Món ăn
Món ăn là sản phẩm hữu hình được phục vụ trong nhà hàng/quán cafe của bạn dưới dạng đồ ăn bao gồm cả mặn, ngọt và đồ uống. Với tốc độ phát triển nhanh của ngành ẩm thực cũng như yêu cầu khắt khe của khách hàng, món ăn ngon phải thỏa mãn được cả hương vị, hình thức trình bày, giá cả tương xứng.
Dịch vụ
Khác với món ăn, dịch vụ là thứ sản phẩm vô hình mà mắt thường khách hàng không nhìn thấy, đem đến giá trị về vật chất và tinh thần. Khách hàng được cảm nhận dịch vụ thông qua trải nghiệm trực tiếp tại nhà hàng. Chất lượng dịch vụ trong nhà hàng là kết quả của các mối quan hệ giữa nhân viên và khách hàng, cách vận hành của nhà hàng đó. Một món ăn ngon được phục vụ chuyên nghiệp sẽ tạo ra cảm giác hài lòng cho khách hàng.
Không gian
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng để tạo nên sản phẩm tốt chính là không gian nhà hàng.

Nhà hàng không đơn thuần là nơi để thưởng thức những món ăn ngon mà còn là nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp nên yếu tố không gian càng được các chủ quán tập trung đầu tư. Thiết kế không gian tạo sự thoải mái, mang nét độc đáo riêng sẽ tạo được sự yêu thích và thu hút nhiều khách hàng, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh.
2. Tầm quan trọng của sản phẩm trong kinh doanh nhà hàng
2.1. Với chủ doanh nghiệp
Một người làm kinh doanh thành công là người biết tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm, tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho chính nhà hàng của mình. Đồng thời, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định doanh thu và lợi nhuận của nhà hàng đó. Có thể thấy việc xây dựng sản phẩm tốt sẽ chiếm 60% khối lượng công việc marketing cho nhà hàng trước khi khai trương. 40% còn lại nằm ở địa điểm, chiến lược bán hàng và truyền thông.
Nếu duy trì được chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt, các nhà hàng sẽ sở hữu một lượng khách trung thành. Chất lượng của nhà hàng ngày càng được cải thiện tốt hơn, “vượt cả kỳ vọng của khách” thì khách hàng sẽ trở thành những “nhà quảng cáo miễn phí” cho chính doanh nghiệp của bạn. Do đó, việc duy trì và nâng cấp chất lượng sản phẩm tốt hơn sẽ giúp khách hàng lựa chọn doanh nghiệp bạn thay vì đối thủ cạnh tranh.
2.2. Với người tiêu dùng
Là người trực tiếp sử dụng và chi trả cho sản phẩm, các thực khách hoàn toàn có quyền đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về giá trị sản phẩm mà họ nhận được.
Ví dụ khi cần không gian họp mặt cùng đối tác, khách hàng hiển nhiên sẽ ưu tiên chọn nhà hàng có phân khu riêng tư, món ăn đảm bảo cả phần nhìn lẫn phần vị, phục vụ tận bàn chuyên nghiệp để tiếp đãi một cách chu đáo nhất. Khi muốn thưởng thức món Nhật, họ sẽ tìm đến một cửa hàng có những miếng sashimi tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, không gian tối giản, tinh tế nhưng vẫn mang đậm văn hóa của đất nước mặt trời mọc.
Mỗi tệp khách hàng vào từng thời điểm khác nhau sẽ có những nhu cầu cần thỏa mãn khác nhau. Đó là lý do vì khâu nghiên cứu thị trường và chân dung khách hàng lại là cơ sở để xây dựng nên chiến lược kinh doanh của một nhà hàng. Sản phẩm nào mà nhóm khách hàng của bạn đang quan tâm? Khách hàng có cái nhìn như thế nào về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh? Đâu là yếu tố quan trọng giúp khách hàng đưa ra quyết định?
3. Quy trình phát triển sản phẩm chất lượng cho mọi nhà hàng
3.1. Món ăn – Tuyệt kỹ khiến thực khách “tâm phục khẩu phục”
- Tiêu chuẩn món ăn
Với những mô hình nhà hàng khác nhau, thì các đầu bếp sẽ cho ra đời những menu khác nhau. Tuy nhiên một thực đơn hoàn chỉnh, phù hợp với khách hàng vẫn cần đảm bảo được đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây.
Tạo ra một món ăn độc đáo, khác biệt là con đường ngắn nhất thu hút thực khách tới nhà hàng của bạn thay vì của đối thủ. Menu của bạn càng thể hiện được phong cách của nhà hàng thì càng được khách hàng đánh giá cao và dễ gây ấn tượng hơn.
Điều đó cũng giải thích vì sao tại các nhà hàng cao cấp được đặt tại các trung tâm sầm uất luôn có thực đơn đặc biệt (Tasting menu). Tại các nhà hàng hiện nay ở Việt Nam người ta quen với khái niệm món Signature – món đặc trưng có hương vị cách thức chế biến đặc biệt. Không chỉ vậy món đặc trưng còn thể hiện bản sắc thương hiệu, tài năng và óc sáng tạo của người đầu bếp.

Tiêu chuẩn phù hợp về khẩu vị là yếu tố quan trọng tiếp theo, quyết định đến 70% khách hàng có quay lại nhà hàng của bạn hay không. Các vị khách sẽ có vô vàn khẩu vị khác nhau và ngân sách dành cho việc ăn uống cũng khác nhau.
Quán của bạn phục vụ món ăn dành cho những vị khách thích nhâm nhi, thưởng thức không gian sang trọng hay mô hình cửa hàng ăn nhanh cần những món ăn chế biến nhanh nhưng vẫn đảm bảo nóng hổi, cung cấp đủ chất và đảm bảo sức khỏe? Nhờ sự phân loại đó bạn có thể tạo set ăn, combo hợp lý phù hợp với nhu cầu từng đối tượng.
Để tạo ra sự đồng bộ chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của đầu bếp, nguyên liệu cũng như quá trình vận chuyển đến khách hàng. Bạn nên đề ra một số quy tắc nhất định về định lượng món ăn, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, khâu phục vụ của nhân viên trả đồ để đảm bảo chất lượng đồng đều khi phục vụ thực khách, nhất là đối với các mô hình kinh doanh theo chuỗi.
Không ít nhà hàng gặp tai tiếng cũng như phải đóng tiệm về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy nhớ rằng một nhà hàng có đồ ăn ngon được chế biến từ thực phẩm sạch, tươi thì chắc chắn sẽ giữ chân được khách hàng cũng như tiếng lành đồn xa. Đồng thời việc đảm bảo sức khỏe cho khách hàng cũng thể hiện trách nhiệm và đạo đức đối với việc làm nghề kinh doanh.
- Quy trình hô biến món ăn vạn người mê
Để tạo ra một món ăn ngon độc đáo, trước hết cần phân tích được thành phần, giá trị dinh dưỡng, định lượng cấu tạo nên sản phẩm. Cùng với đó, người đầu bếp cũng cần có những hiểu biết nhất định về nhu cầu và xu hướng ăn uống của khách hàng bởi mỗi người lại có sở thích không giống nhau. Dưới sự hiểu biết và sáng tạo tài hoa của bếp trưởng sẽ cho ra lò những món ăn phù hợp với khẩu vị khách hàng nhưng vẫn mang “chất riêng”, chỉ có thể tìm thấy tại nhà hàng của bạn.
Bài toán tiếp theo đặt ra là cần làm gì để đầu bếp giữ vững phong độ cho mọi suất ăn? Các nhà hàng đồng bộ chất lượng đầu ra cho toàn chuỗi? Hãy bắt tay vào đơn giản hóa menu của bạn. Trước tiên, mạnh dạn cắt giảm các món ăn có tần suất “tồn kho” lặp lại nhiều nhất trong menu để tập trung cải thiện chất lượng những món được ưa chuộng.
Quan trọng nhất, tối ưu công thức chế biến sao cho đơn giản và tinh gọn để nhân viên bếp có thể dễ dàng học theo. Cần lưu ý đảm bảo chất lượng món ăn vẫn “ngon như ban đầu” nếu không khách hàng tinh tế sẽ phát giác ra ngay.
Cùng kinh doanh buffet hải sản trên cùng một con phố nhưng nhà hàng A luôn đông khách hơn nhà hàng B? Hỏi ra mới biết, chất lượng nguyên liệu đầu vào, cụ thể là hải sản của nhà hàng A tươi ngon, ngọt thịt hơn hẳn.
Vậy để đảm bảo chọn nguyên liệu chất lượng trước hết hãy lựa chọn nhà cung cấp uy tín có nguồn thực phẩm tươi ngon cũng như đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Vòng tiếp đến, kiểm tra năng lực cung ứng xem có thể đáp ứng tối thiểu và tối đa bao nhiêu khối lượng cho mỗi nguyên liệu.
Quy định rõ ràng về thời gian giao nhận đồ và mức độ sai lệch cho phép để đảm bảo luôn có đủ nguyên liệu để bán mỗi ngày. Trước khi kí nhận và thanh toán, hãy chắc chắn rằng bạn đã kiểm tra kĩ càng về cả chất lượng (thông qua màu sắc, mùi hương) lẫn số lượng.
3.2. Dịch vụ – Thái độ quyết định thành công
Chất lượng phục vụ cũng là một trong các yếu tố cạnh tranh giữa những nhà hàng với nhau. Dành nhiều công sức để chế biến món ăn ngon đến đâu nhưng chất lượng phục vụ kém thì nhà hàng vẫn có nguy cơ thất bại. Hãy tiếp tục theo dõi bài viết dưới đây để xem đâu là những tôn chỉ mà các nhà hàng cần tuân theo để chạm đến trái tim khách hàng.
- Tiêu chuẩn dịch vụ
Công tác chuẩn bị trước giờ đón khách luôn được đặt lên hàng đầu với quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”. Công việc của quản lý là giám sát chặt chẽ, phân chia công việc rõ ràng cho từng bộ phận đảm nhiệm những vai trò khác nhau: Tổng vệ sinh nhà hàng đã sạch sẽ chưa? Nguyên vật liệu đã được kiểm tra chất lượng và bố trí hợp lý chưa? Đặc biệt lưu ý, mọi thứ từ con người cho đến bàn ghế, trang thiết bị, nguyên vật liệu phải ở trạng thái sẵn sàng, chỉn chu thì mới có thể sẵn sàng đón khách.
Sau khi chuẩn bị mọi thứ tươm tất, bước tiếp theo là đón khách. Ấn tượng đầu tiên vô cùng quan trọng đối với việc chiếm được cảm tình của khách hàng. Không ai muốn vừa bước vào quán đã phải đối diện với bầu không khí nặng nề, không một lời hỏi han để cảm thấy không được chào đón. Ngôn ngữ, âm lượng giọng nói, biểu cảm cùng nụ cười tươi của nhân viên đón tiếp phải thể hiện sự thân thiện, nhiệt tình nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng khách theo đúng quy chuẩn.
Tiếp theo ở bước giới thiệu thực đơn và order món, nhân viên phải nắm chắc vai trò người tư vấn và điều hướng khách hàng. Chỉ khi nhân viên order hiểu rõ mọi thông tin về sản phẩm bao gồm: tên món, thành phần nguyên vật liệu, mùi vị, giá trị dinh dưỡng của món ăn/thức uống,… thì mới có thể giới thiệu và giải đáp những thắc mắc của thực khách trong quá trình gọi món.
Sự tỉ mỉ và khéo léo, nhiệt tình trong cách tư vấn của nhân viên order sẽ giúp tăng mức độ yên tâm của khách hàng, từ đó dễ dàng thuyết phục họ lựa chọn món ăn/thức uống. Đồng thời, quá trình chuyển order về phía nhà bếp chuẩn bị món ăn tiếp đó cũng đòi hỏi sự chính xác và cẩn thận để tránh sai sót.
Sau khi bếp đã chuẩn bị xong, nhân viên cần phải thực hiện quá trình phục vụ món ăn một cách nhanh chóng và chính xác, tránh để khách hàng cảm thấy bực tức vì chờ đợi quá lâu hay mang sai món,… Trong suốt thời gian dùng bữa, nhân viên phục vụ cần chú ý và cẩn thận lấy thêm đồ, rót nước cho khách. Lưu ý rằng luôn đứng ở khu vực thuận tiện để có thể quan sát khách hàng và để khách hàng dễ dàng thấy được mình.

Thanh toán, tiễn khách là công đoạn cuối cùng để hoàn thành quá trình phục vụ. Lúc này đòi hỏi sự nhanh chóng và chuyên nghiệp của nhân viên, tránh lơ là nếu không muốn công sức cố gắng từ khâu đầu tiên đến giờ đổ sông đổ bể.
Trước khi tiễn khách, nhân viên thu ngân cần kiểm tra đúng hóa đơn và giá của từng món ăn để tránh tình trạng sai sót trong quá trình thanh toán khiến khách không hài lòng. Nên hỏi han cảm nhận của khách hàng đối với bữa ăn hôm nay để bày tỏ sự quan tâm và có cơ sở đánh giá chất lượng phục vụ.
- Xây dựng quy trình phục vụ chuyên nghiệp
Để đảm bảo tiêu chuẩn sạch sẽ và sẵn sàng trước khi mở cửa đón khách, hãy sắp xếp lại bàn ghế ngay ngắn, kiểm tra và điều chỉnh khăn trải bàn cho đẹp mắt, đúng vị trí. Xếp dụng cụ ăn uống cũng như các vật trang trí sao cho đúng tiêu chuẩn mà nhà hàng quy định.
Với các nhà hàng lớn, nhân viên sẽ phải kiểm tra vị trí và số lượng bàn khách đã đặt nhằm tránh sai sót khi khách đến. Đồng thời, kiểm tra lại lần cuối các trang thiết bị, các cơ sở vật chất của nhà hàng để đảm bảo vận hành chu đáo và sẵn sàng đón khách.
Khi khách vào nhà hàng, lễ tân và nhân viên phối hợp để đón khách với thái độ thân thiện, nụ cười vui vẻ, tôn trọng khách theo đúng quy chuẩn. Nhân viên chủ động hỏi khách nếu có đặt bàn trước hay không để linh hoạt hơn trong quá trình sắp xếp chỗ ngồi phù hợp. Hướng dẫn khách đến chỗ ngồi và mời khách vào bàn, chủ động kéo ghế ra cho khách, nếu là gia đình và có em bé nhỏ thì chủ động lấy ghế cho bé ngồi.
Sau khi khách ổn định chỗ ngồi, nhân viên giới thiệu về các dịch vụ, món ăn thức uống đặc biệt đang có tại nhà hàng và đưa menu, giải đáp thắc mắc của khách hàng. Sau đó nhân viên tiếp nhận và cẩn thận ghi lại order món, đảm bảo xác nhận lại với khách hàng lần cuối. Chủ động hỏi han để xem khách có yêu cầu đặc biệt nào không thì cần ghi chú cụ thể. Với bàn tiệc có nhiều khách, nhân viên nên ghi chú thông tin kỹ để tránh lên nhầm món ăn.
Để hạn chế các rủi ro về nhầm lẫn, thiếu món trong quá trình order, nhà hàng có thể sử dụng phần mềm quản lý bán hàng hoặc menu điện tử. Khi khách hàng order trên hệ thống, ngay lập tức thông tin sẽ được chuyển tới khu vực bar/bếp và thực hiện chế biến. Hình thức này vừa tiện lợi và tiết kiệm thời gian gọi món, tạo cảm giác chuyên nghiệp cho khách hàng.

Trong thời gian chờ món ăn, nhân viên có nhiệm vụ trải khăn ăn, phục vụ các món ăn nhẹ (nếu có).
Tiếp đến khi nhà bếp báo món ăn đã chuẩn bị sẵn sàng thì nhân viên tiến hành kiểm tra hình thức, chất lượng rồi mới mang món ăn lên cho khách. Trong quá trình phục vụ, nhân viên nhanh nhẹn lên món đúng trình tự bàn và trình tự khách yêu cầu; bổ sung các loại nước sốt, nước chấm đi kèm nếu có. Trong lúc khách hàng dùng bữa, đứng lùi về vị trí thích hợp để quan sát và hỗ trợ trong suốt quá trình. Xin phép khách được dọn bát, đĩa bẩn, những vật không dùng gây bất tiện trên bàn ăn.
Trong khâu tiễn khách cuối cùng, nhân viên cần quan sát để dự đoán thời điểm khách chuẩn bị thanh toán sau đó thông báo cho thu ngân kiểm tra và chuẩn bị in hóa đơn. Khi khách đã kết thúc bữa ăn, đưa khách hàng kiểm tra lại hóa đơn để chốt đồ. Chỉ khi có sự xác nhận chính xác, nhân viên mới gửi hóa đơn đến quầy thu ngân để nhân viên in hóa đơn và nhận tiền thanh toán.
Để thể hiện sự chuyên nghiệp, hãy hỏi ý kiến xem họ có hài lòng với chất lượng dịch vụ của nhà hàng không, lịch sự tiếp nhận góp ý của khách và hứa sẽ khắc phục (nếu có sai sót) trong lần phục vụ tới. Sau đó tiễn khách ra cửa với một nụ cười và nói “Cảm ơn quý khách” một cách chân thành nhất và hẹn gặp lại.
Sau khi khách ra về, nhân viên sẽ tiếp tục thực hiện vệ sinh bàn ăn, thu gom và phân loại rác, thức ăn thừa, dụng cụ bẩn di chuyển đến nơi quy định. Cuối cùng, tiến hành setup lại bàn ăn mới theo tiêu chuẩn nhà hàng, sẵn sàng tiếp đón những lượt khách tiếp theo.
3.3. Không gian – Chinh phục cảm tình từ cái nhìn đầu tiên
- Tiêu chuẩn không gian
Như đã nói ở trên, sản phẩm trong kinh doanh nhà hàng không chỉ đơn thuần nằm trên menu mà còn bao gồm các yếu tố ngoại cảnh như trải nghiệm không gian. Không gian nhà hàng ăn uống sẽ ảnh hưởng đến 30% trải nghiệm của thực khách khi đến thưởng thức ẩm thực. Vậy đâu là những tiêu chuẩn mà khi thiết kế không gian nhà hàng, bạn cần tuân thủ theo để đạt hiệu quả cao nhất?
Cũng giống như thiết kế menu, bạn cũng hãy áp dụng tiêu chuẩn “độc đáo, mới mẻ” vào phong cách thiết kế, xây dựng concept để gây ấn tượng tốt với khách hàng. Một vài xu hướng thiết kế concept phổ biến hiện nay có thể kể đến như phong cách Nhật Bản, phong cách Scandinavian Bắc Âu, phong cách tối giản Minimalism,…
Trill Group là một ví dụ điển hình trong việc sử dụng concept độc đáo để đánh chiếm thị trường thành công mà bạn có thể tham khảo. Đây không hoàn toàn là quán cà phê mà là tổ hợp nhà hàng, cafe, bể bơi, phòng gym nằm trên sân thượng của tòa nhà cao tầng với không gian mở rộng rãi và thoáng mát. Địa điểm này nổi lên không chỉ như một nhà hàng đẹp mọi người có thể tận hưởng không gian, đồ uống mà còn là tụ điểm tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện vui chơi giải trí của giới trẻ Hà Thành.

Khu vực ăn uống nhà hàng là nơi sẽ mang lại doanh thu cho chủ đầu tư. Vì vậy, bạn cần tận dụng được tối đa không gian của khu vực này để đem đến sự thoải mái, ấn tượng cho khách hàng mà vẫn tối ưu quy trình vận hành. Thực khách cần có không gian riêng tư, cảm giác thư giãn, ấm cúng để dùng bữa.
Cùng với đó, các bạn nhân viên cũng cần có những khoảng diện tích riêng để làm việc như lối đi xung quanh bàn ăn, nhất là trong thiết kế nhà hàng cao cấp. Đối với khu vực chờ và thu ngân cần được đặt gần cửa ra vào để tận dụng trưng bày các sản phẩm hàng hóa thương mại, bán liền.
Xu hướng chỉ có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhưng các nguyên tắc thiết kế nội thất về sự đồng bộ và thống nhất trong bài trí thì luôn trường tồn. Bước vào một nhà hàng với không gian lộn xộn, cách bài trí đồ đạc kém bắt mắt và không hài hòa với nhau thực sự khiến bạn thấy mệt mỏi và nhàm chán thay vì cảm giác tận hưởng và tò mò khám phá.
Tiếp đến hãy đảm bảo rằng tính khoa học và thuận tiện cho khu bếp cũng như quầy bar/ order.
Quầy order chính là nơi đầu tiên và cuối cùng mà khách hàng tiếp xúc, rút hầu bao thanh toán cho dịch vụ ăn uống vậy nên hãy đảm bảo tiêu chí dễ chịu, ngăn nắp cũng như một vài điểm nhấn trang trí để gây ấn tượng tốt.
Đối với khu bếp – trái tim của quán ăn cần đảm bảo đạt chuẩn giúp tối đa hóa công năng, không gian thoáng đãng và thoải mái, thuận tiện cho việc di chuyển, nhân viên phục vụ tốt hơn cũng như yếu tố vệ sinh an toàn trong quá trình chế biến.
- Thiết kế không gian
Bước đầu tiên, tiến hành nghiên cứu thị trường và đối thủ, thu thập thông tin về người dùng để chọn ra một concept, phong cách “sáng giá” nhất, đảm bảo tính vững bền trong kinh doanh. Xác định một và chỉ một phong cách cố định để mọi thiết kế về sau đi theo đúng hướng. Sau khi đã có ý tưởng sơ bộ, hãy đi sâu hơn vào nghiên cứu các chi tiết dưới đây để biến ý tưởng thành hình.
Để có một không gian thoải mái cho khách hàng, thuận tiện cho vận hành hãy bắt đầu từ việc bài trí không gian cho mỗi khu vực trong nhà hàng như khu vực ăn uống, khu bếp, quầy bar, khu vực vệ sinh công cộng. Với mỗi khu vực của từng mô hình kinh doanh khác nhau cần mua sắm thiết bị khác nhau, bạn cần tính toán số lượng, lựa chọn nhà cung cấp trang thiết bị uy tín để phục vụ hết tối đa năng suất của nhà hàng.
Sau cùng, xây dựng hệ thống hút mùi, thông gió, ánh sáng thuận tiện mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ.
Sau khi đã xong concept và phân khu khoa học, bạn hãy tính toán tới công đoạn lựa chọn và tiến hành trang trí nội thất thật ấn tượng. Thực hiện nghiên cứu, cùng với đơn vị thi công lên ý tưởng thiết kế: màu sắc, thêm họa tiết, phụ kiện, cách set up đồ nội thất và cách tạo điểm nhấn trong không gian.
Tiếp đó, bạn mua sắm đồ nội thất và trang trí như: bàn ghế, cây cối, tranh tường,… đồng bộ với phong cách, cân đối với chi phí. Trong quá trình này, có thể khéo léo sáng tạo thêm các ý tưởng mới, tập trung trang trí các điểm chạm đắt giá một cách ấn tượng nhất.
Trên đây là những gợi ý cho bạn trong việc thiết kế nhà hàng quán ăn đẹp và thu hút thực khách nhất.
Việc tập trung phát triển sản phẩm vẫn đang chứng minh được vai trò quan trọng góp phần tạo nên thành công, đem lại lợi nhuận cho nhà hàng một cách bền vững. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết này, bạn sẽ tích lũy được thêm những kinh nghiệm về cách thức phát triển một sản phẩm chất lượng trong kinh doanh nhà hàng. Nếu còn bất cứ thắc mắc hay băn khoăn gì, đừng ngần ngại hãy chia sẻ ngay với Quản lý nhà hàng để nhận được giải đáp nhé!